Ngày 17/5, tại Astana, Kazakhstan, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật (UBLCP Việt Nam – Kazakhstan).
Ngày 17/5, tại Astana, Kazakhstan, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật (UBLCP Việt Nam – Kazakhstan).
Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa xưa, trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La tinh, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) do Trung Quốc khởi xướng ra đời từ năm 2013, nhằm củng cố các tuyến thương mại kết nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến là: Kết nối chính sách, Kết nối cơ sở hạ tầng, Kết nối thương mại và đầu tư, Kết nối tài chính - tiền tệ, Kết nối con người.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, nước này đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.
Với hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XI, sáng kiến "Vành đai và Con đường" đến nay, được coi là một sáng kiến thương mại, một chiến lược kết nối kinh tế khổng lồ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội, nhận được sự ủng hộ của quốc tế.
Với chủ đề "Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung", Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2023. Đến nay, đại diện của hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia diễn đàn, bao gồm lãnh đạo cấp cao các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp… Số lượng khách đăng ký đã vượt quá 4.000 người.
Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, tổng kết những thành tựu BRI đạt được trong 10 năm qua, trao đổi triển vọng, phương hướng hợp tác trong tương lai. Diễn đàn gồm 03 Phiên cấp cao với nội dung trọng tâm về "Kinh tế số như động lực mới của tăng trưởng", "Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở", "Con đường tơ lụa xanh vì sự hài hoà với thiên nhiên" và 06 diễn đàn khác về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và hợp tác trên biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, sáng kiến cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định cả chủ quan và khách quan. Trung Quốc đã và đang có những điều chỉnh quan trọng nhằm bảo đảm các mục tiêu lâu dài để BRI tiếp tục phát triển trong tương lai.
Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ nhất và thứ hai vào năm 2017 và 2019. Cả 2 lần, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều tham dự.
Từ ngày 14-15/5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường", hiện cả hai nước đang phối hợp hoàn thiện Kế hoạch hợp tác thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ trên.
Ngày 25-27/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp từ khoảng 140 quốc gia, các tổ chức quốc tế, sẽ đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.
Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ các thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam, thu hút hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt được những tiến triển tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022).
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã hai lần sang thăm Trung Quốc và dự hội nghị đa phương quan trọng; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc. Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng cũng khôi phục trở lại và dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu thế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 6/2023, hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chuyến công tác Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.
Đây là dịp để Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022), thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực sâu hơn.