Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Ninh Thuận

Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Ninh Thuận

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường

1.  Chi cục Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Chi cục) là tổ chức hành chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2.   Chi cục Bảo vệ môi trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời chấp hành sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.  Nghiên cứu, xây dựng trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để trình cấp có thẩm quyền dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản triển khai cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về môi trường phù hợp với điều kiện của tỉnh.

2.   Trình Giám đốc Sở ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Giám đốc Sở trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm về lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh.

3.  Tham mưu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

a)    Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về môi trường sau khi được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về môi trường.

b)  Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức thẩm định cấp, cấp lại, cấp đổi, điểu chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh; tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh; phối hợp kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản khi tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện hoạt động đăng ký, công nhận, cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nuôi trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tham mưu thẩm định cấp giấy phép môi trường theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

d)    Tổ chức quản lý, điều tra, thống kê, kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn theo quy định của pháp luật, gồm: hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường; tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động liên tục đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc định kỳ đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý theo quy định.

đ) Tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tham gia, hướng dẫn, kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và các hoạt động quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại khác trên địa bàn thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

e)   Tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

g) Tổ chức xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy hoạch tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá, lập danh mục, dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức biện pháp bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen các loài bản địa, loài có giá trị tại địa phương; quản lý, giám sát hoạt động tiếp cận nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen theo quy định của pháp luật; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; tổ chức kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học cấp tỉnh; lập hồ sơ đề cử công nhận và thực hiện chế độ quản lý các danh hiệu quốc tế về bảo tồn (khu Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới).

h)   Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cải tạo phục hồi môi trường sau sự cố theo quy định của pháp luật.

i)   Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường, thông tin về chất lượng môi trường, cảnh báo về ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

k)   Tổ chức xây dựng, quản lý dữ liệu, thông tin và xây dựng báo cáo về môi trường theo quy định của pháp luật; tham mưu tổ chức thực hiện các chỉ tiêu thống kê môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

l) Tổ chức xác định thiệt hại đối với môi trường; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

m)  Tổng hợp nhu cầu kinh phí sử dụng nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, gửi Sở Tài chính để cân đối trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

n) Tổ chức thẩm định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo phân cấp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương theo phân công và theo quy định của pháp luật.

o)  Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên huyện trên địa bàn tỉnh và công tác khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật.

p)  Kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường.

4.   Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện; bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường đối với công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, công chức chuyên môn cấp xã.

5.  Quản lý tài chính, tài sản và cán bộ, công chức, lao động thuộc Chi cục theo quy định của pháp luật.

6.    Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1.   Cơ cấu tổ chức của Chi cục gồm: Chi cục trưởng, không quá 02 (hai)

Phó Chi cục trưởng và công chức thuộc Chi cục

a)    Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.

b)   Phó Chi cục trưởng giúp Chi cục trưởng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Chi cục trưởng phân công, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2.   Biên chế: Biên chế công chức của Chi cục được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chi cục theo đúng quy định của pháp luật. Bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức và lao động hợp đồng phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Năm 2024 thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) đề ra và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.050 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương đạt 3.045 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương xuống dưới 0,65%, theo tiêu chí của tỉnh xuống dưới 0,7%. Hiện thị xã Thuận Thành đang là một trong những nơi có nhiều Khu công nghiệp nhất tỉnh Bắc Ninh với các Khu Công nghiệp: Thuận Thành I, Thuận Thành II, Thuận Thành III... 3 Cụm công nghiệp nhỏ và vừa; 1 Cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch tại xã Song Hồ… tạo công ăn việc làm cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận

Phát triển kinh tế xã hội địa phương để xứng tầm thị xã, người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo và việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường khu vực phường, xã được các cấp chính quyền và ngành tài nguyên và môi trường thị xã đặc biệt quan tâm, đạt được hiệu quả thiết thực. Ông Đỗ Đình Hảo, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thuận Thành, cho biết: Để công tác bảo vệ môi trường đạt được hiệu quả, với thị xã đang phát triển, hàng năm, Thuận Thành đều tổ chức tuyên tuyền về công tác bảo vệ môi trường nhân dịp các ngày lễ về môi trường như: Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới hàng năm, chương trình làm cho thế giới sạch hơn, tuyên truyền công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, phân loại rác thải tại nguồn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật... phát động chương trình làm sạch ruộng đồng tại phường, xã.

Thị xã chú trọng phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các tổ chức đoàn thể, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các xã, phường ra quân “Làm sạch ruộng đồng” vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, đường làng, ngõ xóm... Hàng tháng UBND các xã, phường thực hiện tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, ở các thôn, khu phố 1 lần/tháng (vào thứ 7 và chủ nhật của tuần cuối tháng). Phong trào thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ, xóm được thực hiện rộng khắp trên địa bàn các xã, phường.

Các tổ chức, chính quyền đã triển khai tuyên truyền phong trào phòng chống rác thải nhựa đến từng hộ dân trên địa bàn 18 xã, phường. Mô hình làng nông thôn kiểu mẫu "làng 3 sạch" đã được Hội LHPN các xã, phường ban hành quyết định thành lập, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cá nhân thực hiện các tiêu chí của mô hình. Tổ chức một tháng 2 lần cho hội viên phụ nữ tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh.

Chúng tôi đến phường Xuân Lâm nơi có nhiều Công ty và Cụm công nghiệp Xuân Lâm, là điểm sáng phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND phường, Nguyễn Thị Lan Anh, chia sẻ: Để phong trào bảo vệ môi trường địa phương đi vào nề nếp, đạt được hiệu quả thiết thực không phải hô hào lời nói “suông” phường đã đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy phường, để làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn thể, tổ chức, bộ phận của phường. Chính vì vậy, Xuân Lâm có được môi trường sạch sẽ, phong quang, trước đây, các khu đông dân cư, chợ… thường xuyên bị ô nhiễm rác thải, kênh mương nổi lềnh bềnh chai nhựa, vỏ lon… nay đã thay đổi hẳn nhận thức của mọi người, một phần lớn nhờ vào xây dựng mô hình bảo vệ môi trường khu phố.

Trong đó, điển hình là mô hình ngôi nhà xanh của Hội phụ nữ phường được xây dựng các Khu dân cư, mô hình này thu hút 100% chị em phụ nữ tham gia. Đây là mô hình thu gom rác thải nhựa, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tuy số tiền nhỏ nhưng đã giúp đỡ được hàng trăm chị em neo đơn trong phường. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên thanh niên thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, như: Chủ nhật xanh dọn dẹp vệ sinh, phong trào chống rác thải nhựa và vận động, tuyên truyền công nhân là người nơi khác đến thuê trọ trên địa bàn cùng tham gia và ký cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân... tích cực tham gia vận động hội viên tham gia công tác bảo vệ môi trường “Sạch nhà, sạch phố, sạch ruộng đồng” không để tình trạng vứt rác, chai lọ thuốc sâu bừa bãi.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tại thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) đã mang lại hiệu quả thiết thực, không những mang lại môi trường “xanh, sáng, sạch” mà còn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo,

Nhận thức được tầm quan trọng to lớn của môi trường, Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) đã tổ chức buổi lễ thăm quan và ghi nhận thực tế về hoạt động xử lý môi trường vào sáng ngày 19/04/2018 tại trụ sở công ty (thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Hiện nay, môi trường là vấn đề nóng của nhận loại toàn cầu. Môi trường tác động trực tiếp đến mọi hoạt động của cuộc sống con người. Bắt nguồn từ mong muốn mang công nghệ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn, Thuận Thành EJS đã được hình thành. Sau hơn 5 năm hình thành và phát triển, Thuận Thành EJS ngày nay được ghi nhận là một điểm sáng trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy CTNH) chuyên phân loại và xử lý, tái chế chất thải dân dụng và công nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Đắc - Chủ tịch Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành cho biết, Thuận Thành đã đầu tư xong nhà máy phân loại, tái chế rác thải dân dụng và công nghiệp tại Xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh . Trong quãng thời gian 5 năm hoạt động, Công ty luôn đầu tư trang thiết bị hiện đại, tối tân và chuyên dụng đảm bảo xử lý và phân hủy triệt để chất thải nên Tổng cục Môi trường đã cấp giấy phép hành nghề Quản lý chất thải nguy hại cho Công ty Thuận Thành. Điều này bước đầu khẳng định Thuận Thành EJS có đủ năng lực, đủ kinh nghiệm để mang lại cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý. Thuận Thành luôn cân đối , hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích từ những hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này không phải công ty nào cũng làm được.

Để khách quan và thực tế hơn, các đại biểu đã cùng nhau tham quan và kiểm tra thực tế môi trường, không gian làm việc của Công ty Thuận Thành cả trong và khu vực xung quanh, khu vực lân cận công ty.

Sau khi thực tế tham quan và kiểm tra, đoàn đại biểu đều có chung đánh giá : các khu vực trong và phía xung quanh công ty rất sạch sẽ, công nghệ thiết bị hiện đại, tối tân, ghi nhận thực tế không như một số nguồn thông tin phản ánh tiêu cực. Các loại rác thải như kim loại, á kim, hữu cơ, vô cơ ….đều được phân loại khoa học và tận thu tối đa.Không có hiện tượng xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra cánh đồng.

Minh chứng cho nhận xét này, ông Ngô Văn Thụ - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Gia Đông cho biết: “ Công ty CP môi trường Thuận Thành đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, bên cạnh đó Công ty cũng ủng hộ, đóng góp tích cực cho phong trào nông thôn mới của địa phương, Chúng tôi ghi nhận tình cảm của Công ty đối với địa phương. Qua đi thăm quan, chúng tôi thấy các khu vực tại Công ty rất sạch sẽ và vệ sinh. Về nước thải, chúng tôi ghi nhận không có việc xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường như thông tin phản ánh, mà nước thải sau xử lý đạt chuẩn được tiếp tục sử dụng quay vòng để phục vụ cho hệ thống tháp giải nhiệt, làm mát và dập bụi, xử lý khí của lò đốt. Về cặn bã tro xỉ chúng tôi đã trực tiếp đi xem và chứng kiến, thì lượng cặn bã được trộn thêm xi măng và VLXD để đóng khuôn thành gạch. Về khí thải, chúng tôi thấy lượng khí được khu vào đường ống nhất định đưa qua hệ thống xử lý khí để lọc sạch không khí. Đánh giá chung về Công ty chúng tôi thấy các khu vực rất sạch sẽ, công nghệ hiện đại và ghi nhận thực tế chúng tôi thấy không như một số nguồn thông tin phản ánh tiêu cực (ở đây tất cả các đại biểu đều chứng kiến việc đó). Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn Công ty trong thời gian vừa qua đã có những đóng góp trong công tác xử lý môi trường cho địa phương, cũng như đóng góp cho kinh tế chung của huyện nói chung và của xã Gia Đông nói riêng, và cũng mong Công ty ngày càng đầu tư hiện đại để chất lượng về xử lý môi trường ngày càng tốt hơn. Chúng tôi cũng mong muốn Công ty và địa phương có sự phối hợp ngày càng khăn khít hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế địa phương ngày càng phát triển”

Ngoài ra đại diên cho các hộ dân xung quanh nhà máy, ông Đỗ Công Hàm cũng đồng quan điểm với các đại biểu của hội nghị: “Trước đây chúng tôi có nghe một số ý kiến phản ánh của người dân, nhưng hôm nay đến đây và được tận mắt chứng kiến tôi nghĩ rằng đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy, tôi nhất trí và có cùng nhận định với ý kiến mà các đồng chí đã phát biểu. Tôi cũng mong muốn và hi vọng Công ty sẽ ngày càng phát triển hơn nữa và luôn cải tiến nâng cấp các công nghệ hiện đại mới để luôn mang lại môi trường trong lành”

Công ty Thuận Thành cũng cam kết thường xuyên phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương lắng nghe ý kiến người dân để cải thiện tốt nhất môi trường nhà máy và khu vực xung quanh, bên cạnh đó tích cực tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội của địa phương và nhân dân. Công ty Thuận Thành luôn mong muốn góp những kinh nghiệm vốn có từ chính hoạt động kinh doanh của mình để cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn song của chúng ta.

Trong xã hội Nhật Bản, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng, do vậy, khi thiết kế chương trình phát triển cộng đồng, Chính phủ luôn chú trọng đến vai trò của người phụ nữ. Hiện nay ở Nhật Bản có khoảng 25.000 tổ chức phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực xã hội khác nhau có liên hệ chặt chẽ với Liên đoàn các tổ chức phụ nữ Nhật Bản. Vì vậy, sự tham gia của phụ nữ vào công tác BVMT mang đến sự thay đổi quan trọng trong việc thực hiện các quy định về BVMT trong cộng đồng và mỗi gia đình.

Phụ nữ Nhật Bản rất tiết kiệm và không xả rác nơi công cộng, công sở. Khi đi làm công sở, họ thường mang theo túi đựng rác sinh hoạt hàng ngày. Hết giờ làm việc, họ mang túi đựng giác đó ra đúng nơi quy định và việc làm này trở thành thói quen hàng ngày. Phụ nữ Nhật Bản chú ý đến việc phân loại rác sinh hoạt theo rác cháy và không cháy, rác kích thước lớn và rác tái tạo. Rác cháy bao gồm tất cả các thức ăn dư thừa khi ăn trưa ở nơi làm việc, giấy vụn... Rác không cháy bao gồm các đồ dùng bằng kim loại hỏng hóc, pin đã qua sử dụng, chai lọ thủy tinh, kim loại… Đối với các loại rác có kích thước lớn (kích thước mỗi bề khoảng hơn 60 cm) như máy điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính không sử dụng thì phải liên hệ với trung tâm xử lý rác kích thước lớn và mất phí xử lý. Việc phân loại và vứt rác đúng ngày, đúng nơi quy định là một trong những quy tắc sống của người phụ nữ Nhật Bản.

Phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân Nhật Bản

Đặc biệt, họ không có thái độ e ngại khi sử dụng đồ cũ, hàng tái chế bởi ở đây có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn nhiều phụ nữ lựa chọn mua về sử dụng trong gia đình. Thậm chí, khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách hàng may mắn được sở hữu món đồ tái chế. Tâm lý không e ngại sử dụng đồ cũ của phụ nữ Nhật Bản sẽ giảm bớt lượng rác thải phải xử lý, đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí cho các gia đình, nhà máy xử lý rác thải ở Nhật Bản.

Trong gia đình Nhật Bản, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, do đó người phụ nữ được khuyến khích tham gia những buổi tập huấn về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình bởi các tổ chức an sinh xã hội. Khi tham gia vào các khóa tập huấn kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gia đình, phụ nữ có điều kiện tiếp cận với thông tin mới, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để vận dụng trong cuộc sống gia đình. Do vậy, có rất nhiều chương trình BVMT, bảo vệ sức khỏe cho người dân của Chính phủ được phụ nữ Nhật Bản thực hiện thành công như Chương trình thúc đẩy mở rộng và khuyến khích việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ở Nhật Bản, nếu doanh nghiệp nào không quan tâm đến BVMT, sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và điều tất yếu các sản phẩm mà doanh nghiệp đó sản xuất sẽ tự bị đào thải khỏi thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch khuyến khích người dân đi ngủ sớm một giờ đồng hồ và cũng dậy sớm một giờ đồng hồ để giảm phát thải khí CO2 tại các hộ gia đình. Chương trình kêu gọi mọi người sử dụng ánh sáng mặt trời buổi sớm để nâng cao chất lượng cuộc sống bằng các hoạt động như chạy bộ, tập yoga và ăn một bữa ăn giàu dinh dưỡng... Những chương trình trên đều có sự tham gia vào cuộc tích cực của phụ nữ Nhật bởi họ là người chăm lo những bữa ăn, sức khỏe cho cả gia đình.

Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, khi vai trò của người phụ nữ được khẳng định và đề cao trong cuộc sống thì trách nhiệm BVMT sẽ đi vào đời sống thực tiễn, tạo thành thói quen, tính cách của người Nhật Bản. Phụ nữ Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng của người phụ nữ Á Đông với các đức tính chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo chăm lo cho gia đình. Những kinh nghiệm từ việc làm nhỏ nhưng hiệu quả cao ở phụ nữ Nhật Bản là những bài học giúp cho phụ nữ Việt Nam trong việc nâng cao ý thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, sử dụng tiết kiệm năng lượng và cả tâm lý sử dụng đồ cũ ngày một tốt hơn.

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013